Thứ Hai, 23 tháng 8, 2010

Hội ngộ Linh mục - Tu sỹ - Chủng sinh Giáo hạt Đông Tháp


[GPVO] - Sáng ngày 18-8-2010, đông đảo linh mục, tu sỹ và chủng sinh thuộc Giáo hạt Đông Tháp, G.p Vinh đã có cuộc hội ngộ đặc biệt tại Giáo xứ Trung Song (Diễn Châu, Nghệ An).
Với cuộc hội ngộ truyền thống này, đại gia đình những người con của Giáo hạt Đông Tháp đang sống và theo đuổi lý tưởng tận hiến muốn được cùng nhau nhìn lại thực trạng ơn gọi nơi bản thân, đồng thời góp phần cộng tác nhỏ bé của mình vào việc thăng tiến khả năng dấn thân nơi những tâm hồn trẻ.
Cuộc hội ngộ đã diễn ra trong bầu khí cởi mở, ấm áp tình huynh đệ.
Đứng trước những thách đố với đời tu, tân linh mục Gioan Nguyễn Văn Niên đã nêu lên một số vấn nạn mời gọi mọi người cùng thảo luận và nghiệm sống: 1. “Thử nhận diện một vài thách đố đối với đời sống khó nghèo, và đâu là giải pháp phòng ngừa ?”; 2. “Đức khiết tịnh thật quan trọng và cần thiết của đời tu. Trước những thách đố của bản thân và xã hội thế tục, là những người đi tu và đang muốn dấn thân theo Chúa, chúng ta có cách nào để gìn giữ nhân đức này ?”.
Các thành viên tham dự đã thẳng thắn bộc bạch, chia sẻ về những thách đố với đời tu trong thời đại hôm nay. Tất cả đều quy hương về “sống theo lời khuyên Phúc Âm là một thách đố có tính quyết định đối với các giáo sỹ, tu sỹ và cả những ai muốn dấn thân trong đời sống tu trì”.
Cùng dự cuộc hội ngộ, có Hội Bảo trợ Ơn Gọi của Giáo hạt Đông Tháp. Hội gồm những người mà đa phần là giáo dân muốn cống hiến tâm huyết của mình vào việc phát triển ơn gọi tông đồ trên địa bàn Giáo hạt nhà. Thời gian qua, quý Hội đã có nhiều đóng góp tích cực trong việc thúc đẩy những hạt mầm ơn gọi trên toàn Giáo hạt. Đặc biệt trong cuộc hội ngộ lần này, Hội đã đưa ra phương hướng cụ thể nhằm kiện toàn và gia tăng ơn gọi tại Đông Tháp.
Cao điểm tương giao liên đới của Gia đình Linh mục - Tu sỹ - Chủng sinh Giáo hạt Đông Tháp trong cuộc họp mặt lần này là Thánh lễ tạ ơn và cầu nguyện cho mỗi người biết sống trọn lời mời gọi của Tin Mừng. Tham dự Thánh lễ có đông đảo bà con giáo dân tại Trung Song và nhiều nơi khác, nói lên mối hiệp thông của mọi thành phần dân Chúa trong việc sống và phát triển ơn gọi tông đồ.

Giáo xứ Cồn Cả: Xây dựng cơ sở vật chất gắn với sứ mệnh truyền giáo


[GPVO] 21.8.2010 - Có được ngôi thánh đường đẹp, kiên cố và vĩnh cửu là ước mơ của nhiều tín hữu. Với những giáo dân tại Cồn Cả, một giáo xứ nằm ở miệt núi rừng Tây Bắc Nghệ An cũng vậy. Niềm mong ước đó đã trở thành hiện thực với sự kiện khánh thành và cung hiến nhà thờ giáo xứ vào sáng 18.8.2010 vừa qua.
Đúng 8h30’, với sự hiện diện của trên 50 linh mục cùng đông đảo giáo dân tham dự, Đức Giám mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp đã cắt băng khánh thành nhà thờ giáo xứ Cồn Cả.
Công trình khởi công từ năm 2005 dưới sự điều hành của linh mục quản xứ Antôn Nguyễn Văn Đính. Kỹ sư thiết kế và điều hành công trình xây dựng là ông Giuse Hoàng Trọng Tấn (Giáo xứ Triệu Thông, GP Bùi Chu). Đây là người giáo dân đã đóng góp công sức cho nhiều nhà thờ tại miền Bắc trong đó có Giáo phận Vinh.
Với kích thước dài 57m, rộng 17m; nhà thờ Cồn Cả được đánh giá là một trong những nhà thờ lớn tại giáo hạt Thuận Nghĩa. Cánh thánh giá được mở rộng, mỗi bên thêm thêm 6m. Mặt tiền sừng sững hai ngọn tháp với chiều cao 45,5 m. Trần nhà thờ  cao ráo, kết hợp với dôme ở gian cung thánh tạo cảm giác thông thoáng. Đặc biệt, bàn thờ được gắn hài cốt thánh tử đạo Phêrô Nguyễn Khắc Tự.
Đồng thời với việc khánh thành nhà thờ, một ngôi trường 2 tầng; dài 45m, rộng 7m; diện tích 315m2 cũng được đem vào sử dụng. Với hệ thống 12 phòng học, dự kiến mỗi phòng có thể phục vụ 25-30 học sinh. Ngoài ra, còn có 2 phòng họp, 2 phòng nghỉ cho thầy cô ngoại trú.
Xây dựng cơ sở vật chất chỉ là bước đầu tiên để chuẩn bị loan báo Tin Mừng
Đó là bức thông điệp Đức Giám mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp gửi tới cộng đoàn dân Chúa trong thánh lễ khánh thành và cung hiến nhà thờ giáo xứ Cồn Cả hôm nay.
Trong giai đoạn chiến tranh, các nhà thờ trong Giáo phận bị tàn phá nặng nề. Đây là giai đoạn khôi phục và xây dựng lại cơ sở vật chất. Hầu như hàng tháng đều có thêm nhiều nhà thờ, nhà nguyện, cơ sở tôn giáo được khánh thành. Tuy nhiên, chúng ta không chỉ dừng lại ở đó. Đó chỉ là bước đầu tiên của cuộc hành trình, nghĩa là xây dựng cơ sở vật chất bên ngoài để có nơi thờ phượng và sinh hoạt cộng đồng.
Thiên Chúa đang mời gọi chúng ta tiến bước sang giai đoạn thứ hai là xây dựng con người; xây dựng đời sống tâm linh và văn hóa để trở nên những Kitô hữu mẫu mực trong thời đại mới.
Bước thứ ba phải đặt lên trọng tâm là loan báo Tin Mừng. Đây là một trong những nhiệm vụ ưu tiên và cấp bách đặt ra trong đường hướng hoạt động của Đức Tân Giám mục Phaolô.
Sứ mệnh truyền giáo lên mảnh đất phía Tây Giáo phận luôn là mối ưu tư và trăn trở của Đức Cha Phaolô. Lời chia sẻ của ngài có đoạn nhấn mạnh đến việc thế hệ tiền nhân từng gieo Tin Mừng lên tận những vùng xa xôi như Bàn Tạng, Canh Tráp, Quan Lãng, v.v.. thì nay chúng ta không được có lỗi với cha ông. Trước đây phải “gồng mình” giữ đạo thì nay được trao phó sứ mệnh mới là loan báo Tin Mừng cho anh em chưa nhận biết Chúa.
Bài giảng của Đức Giám mục cũng đề cập đến việc thiết lập một giáo hạt dành riêng cho huyện Nghĩa Đàn, thị xã Thái Hòa và phụ cận. Dự kiến tân giáo hạt bao gồm các xứ Cồn Cả, Vĩnh Giang, Nghĩa Thành, Đồng Tâm, Đồng Lèn, Phú Xuân. Giáo hạt mới sẽ là nơi được chú trọng đẩy mạnh công tác truyền giáo lên  khu vực miền núi Tây Bắc xứ Nghệ.

Chủ Nhật, 22 tháng 8, 2010

Roma đòi lợi nhuận từ đấu trường Colosseum

Các quan chức của thành phố Roma phàn nàn đáng lẽ ra Roma phải được hưởng một phần trong số 35 triệu euro (47 triệu USD) mà Colosseum mang lại cho Chính phủ Italia hằng năm, khi thực tế hiện nay khoản tiền thu được từ lượng khách tới tham quan đấu trường La Mã cổ đại đều “chui” vào két của nhà nước.
35 triệu euro hàng năm thuộc về ai? Đấu trường Colosseum ở Roma hiện là tâm điểm của cuộc tranh giành giữa các quan chức thành phố và Chính phủ Italia về việc ai quản lý công trình cổ đại này và ai sẽ được hưởng 35 triệu euro từ lượng vé bán ra hàng năm khi hiện nay Chính phủ Italia “bỏ túi” toàn bộ số tiền đó. Sau cuộc chiến tương tự về bức tượng David của Michelangelo ở Florence, các quan chức thành phố Roma đang yêu cầu được hưởng 30% số tiền thu được từ hơn 4 triệu du khách tới đây tham quan hằng năm.
“Đấu trường Colosseum là một trong những biểu tượng của đất nước và góp phần biến Roma là cửa ngõ của ngành du lịch quốc gia”, ông Umberto Croppi, nhà nghiên cứu văn hóa của Roma, khẳng định. “Roma phải mang sức nặng của hàng triệu du khách mỗi năm mà không hề nhận được bất cứ đồng nào”. Thế nhưng, ông Francesco Giro, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Italia, đã đưa ra phản ứng mạnh mẽ và tuyên bố: “Colosseum 100% thuộc về quốc gia và tôi vô cùng kinh ngạc khi các nhà chức trách Roma mong muốn được hưởng lợi nhuận từ đấu trường cổ đại này. Quyền quản lý di sản Italia của Chính phủ đã được coi là một hiến pháp”. Được Hoàng đế Vespasian xây dựng vào thế kỷ đầu tiên sau Công nguyên, Colosseum là đấu trường lớn nhất do người La Mã xây dựng, nơi này có thể chứa được 5.000 khán giả xem các trận đấu giữa võ sĩ và thú dữ, các cuộc hành hình và cuộc chiến biển giả. Sự tranh cãi về tương lai của đấu trường này xảy ra khi Chính phủ Italia chuẩn bị bán nhiều công trình, tòa nhà và vùng đất rộng của quốc gia cho các nhà chức trách bản địa nhằm tiến tới xu hướng một chính phủ liên bang hơn. Đây là chính sách do Liên hiệp miền Bắc đầy uy lực đang vận động hành lang. Ông Umberto Bossi, lãnh đạo của Liên hiệp này, nói rằng biện pháp đó sẽ giúp miền bắc Italia giành lại được nhiều “hồ và sông”. Roma mong muốn được hưởng một phần thu nhập của Colosseum, họ cần có các quỹ phụ để tồn tại trong thời khủng hoảng tài chính. “Chúng tôi phải làm sạch Piazza Navona 7 lần/ngày do lượng du khách tới đây”, Phó thị trưởng thành phố Roma, Mauro Cutrufo cho biết. Nói trên tờ báo ngày Corriere della Sera, ông Federico Mollicone, quan chức thành phố đã đề nghị trích cho Roma 30% doanh thu từ lượng vé bán ra, cho rằng thẩm quyền quản lý khu Roman Forum - di chỉ khảo cổ lớn tại chân đồi trong thành phố - cũng phải được đưa ra bàn cãi. “Thật là nghịch lý khi văn phòng thị trưởng hướng ra một khu vực mà ông lại không nắm quyền quản lý”. Roma sẽ áp dụng thuế du lịchÔng Cutrufo, Phó thị trưởng thành phố Roma cho rằng, nếu như việc trích một phần từ lượng vé bán ra của Colosseum không được chấp thuận thì việc đề nghị tính thêm 1-2 euro cho vé vào cửa giá 10 euro để làm tăng khoản thu cho thành phố sẽ chẳng có gì sai trái. Theo ông, việc đó sẽ không gây xôn xao dư luận khi so với giá vé vào cửa tháp Eiffel hiện nay ở Paris là 15 euro và ở London Eye là 15 bảng. Kể từ ngày 1/1/2011, khách du lịch tới Roma sẽ phải đối diện với cái gọi là thuế du lịch, cụ thể là nếu du khách nghỉ trong các khách sạn 3 sao thì mỗi đêm sẽ phải nộp thêm 2 euro tiền thuế, còn trong các khách sạn 4-5 sao là 3 euro/đêm. Ông Cutrufo đã bác bỏ những lời đồn thổi nói rằng thành phố Roma đang nỗ lực giành quyền sở hữu đấu trường Colosseum và tranh cãi, ngoài vấn đề lợi tức vô cùng cần thiết thì Roma nên đề cập nhiều hơn nữa tới quyền quản lý công trình này. “Trên tất thảy đây là một công trình dù rằng nó là một thương hiệu có giá trị 91 tỷ euro”. Tuy nhiên, ông Thứ trưởng Giro thì cho rằng, thay vì phàn nàn về việc phải làm sạch các công trình do lượng du khách tới thăm quá đông, thì giới chính trị gia của Roma nên biết ơn khi thu được số tiền không nhỏ từ khách du lịch vì họ bỏ ra nhiều khoản chi phí trong thời gian ở thành phố. “Bất cứ ai tuyên bố Colosseum chỉ là gánh nặng thì hãy nhớ rằng nó mang lại nguồn thu gián tiếp 1,5 tỷ euro. Bất cứ ai quản lý Roma, bất kể đảng phái chính trị nào, cũng đều có xu hướng tận dụng vẻ đẹp của nó để kiếm tiền”.

Ăn, cầu nguyện, yêu: phim thua sách

Những ngày qua, trong khi nam giới Mỹ đổ xô đi xem bộ phim hành động The expendables (Những con tốt thí) thì nữ giới cũng ào ạt vào rạp thưởng thức tác phẩm Eat, pray, love (Ăn, cầu nguyện, yêu), chuyển thể từ cuốn tự truyện cùng tên của tác giả Mỹ Elizabeth Gillbert.
Tính đến nay cuốn tự truyện của nhà văn Gillbert đã đứng trong danh sách bán chạy nhất của báo New York Times suốt 150 tuần liên tục và được dịch sang gần 50 thứ tiếng, trong đó ấn bản tiếng Việt được Công ty văn hóa và truyền thông Nhã Nam và NXB Phụ Nữ ấn hành năm 2009.
Ở tuổi 32, Gillbert có tất cả: một sự nghiệp thành công, một ngôi nhà đẹp, một người chồng chung thủy. Nhưng cô cảm thấy không hạnh phúc và đòi ly dị chồng. Cuộc tình bất thành với một nam diễn viên và vụ ly dị căng thẳng khiến Gillbert suy sụp. Cô dành một năm đi du lịch nhằm tìm lại chính mình. Gillbert đến Ý để ăn uống và hưởng thụ cuộc sống trong bốn tháng, dành bốn tháng sau đến thiền định ở Ấn Độ, rồi đến Bali (Indonesia) và yêu một người đàn ông Brazil hào hoa.
Eat, pray, love là một cuốn sách cực kỳ thành công về phương diện thương mại, nhưng phản ứng chung của cả giới phê bình và người đọc là khen chê lẫn lộn. Nhiều người ca ngợi thông điệp khám phá bản thân, tìm lại chính mình của tác giả Gillbert. Nhưng những người khác khẳng định họ không cảm được thái độ chán chường (ban đầu) của tác giả đối với một cuộc sống hoàn hảo.
Điều đáng nói là Nhà xuất bản Penguin đã trả tiền trước cho chuyến đi của Gillbert với mục tiêu xác định ngay từ đầu là viết sách. Nhưng, như nhà phê bình Lisa Schwarbaum của tạp chí Entertainment Weekly nhận định: Eat, pray, love có sức hút lớn nhờ giọng văn đặc sắc của tác giả Gillbert. Trong cuốn sách, Elizabeth Gillbert hiện ra như một cô gái thông minh, dễ chịu, do đó thuyết phục được độc giả.
Tác phẩm điện ảnh Eat, pray, love thì không có được lợi thế đó. Giới phê bình nhận định cuộc hành trình của nhân vật do nữ diễn viên nổi tiếng Julia Roberts thủ vai xuất phát từ những lý do không rõ ràng, do đó rất thiếu tính thuyết phục. Nhà phê bình James Berardinelli chỉ trích Eat, pray, love quá dài (133 phút) trong khi lại thiếu những xung đột và những diễn biến bất ngờ cần thiết.
“Khán giả phải chờ đợi mòn mỏi 1 giờ 30 phút trước khi một điều thú vị xảy ra, đó là khi nhân vật người đàn ông Brazil Felipe (do nam diễn viên Tây Ban Nha đoạt giải Oscar 2008 Javier Bardem thủ vai) xuất hiện”, nhà phê bình Moira Macdonald của báo The Seattle Times viết.
Giới phê bình đánh giá Julia Roberts vẫn thể hiện được đẳng cấp siêu sao khi nhập vai Elizabeth Gillbert một cách tròn trịa. “Chỉ có Roberts mới có thể biến cảnh ăn sạch một đĩa mì Ý thành khởi đầu hân hoan của sự khai sáng”, nhà phê bình Schwarbaum nhận định. Và điểm sáng lớn nhất của bộ phim là những cảnh quay tuyệt đẹp ở Ý, Ấn Độ và Indonesia.
Dù có những hạn chế, nhưng chắc chắn tác phẩm điện ảnh Eat, pray, love vẫn sẽ thu hút hàng triệu độc giả hâm mộ cuốn tự truyện của nhà văn Elizabeth Gillbert.

Thứ Năm, 19 tháng 8, 2010

Đại Lễ Đức Mẹ Linh Hồn Và Xác Lên Trời


Niềm hạnh phúc mà Mẹ được hưởng không phải chỉ là kết quả của một nếp sống thụ động, phó mặc cho ơn Chúa. Trái lại, còn là sự cộng tác sinh động của một niềm tin biết lắng nghe, suy nghĩ và thực thi lời Chúa, như bà Êlisabeth đã phát biểu: Phúc cho bà là kẻ đã tin rằng lời Chúa phán cùng bà sẽ được thực hiện. Có thể nói, cuộc đời Mẹ gồm tóm trong hai chữ xin vâng. Lời xin vâng ấy không phải chỉ được Mẹ thốt lên trong hoạt cảnh truyền tin, mà còn được nối dài trong suốt cả cuộc đời. Lời xin vâng ấy đã tước đoạt tất cả để Mẹ trở thành người tôi tá hèn mọn của Thiên Chúa.